Người đứng đầu công trình này, giáo sư Jay Farrell, cho biết, với công nghệ này các tài xế Uber sẽ không lo việc đỗ sai vị trí hay lạc đường nữa. Đồng thời, một trong những mục tiêu quan trọng mà công nghệ GPS mới này hướng đến đó là được áp dụng và sử dụng rộng rãi trên những chiếc xe tự động lái, một trong những xu hướng công nghệ đang được nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm. Ngoài ra, giáo sư Farrell cũng chia sẻ rằng chuẩn GPS mới sẽ giúp những chuyến bay của các hàng không trở nên chính xác và an toàn hơn.
Để đạt được thành công này, giáo sư Farrell cùng các cộng sự đã sử dụng một kĩ thuật mới để bổ sung cho kho dữ liệu hiện tại của hệ thống GPS bằng cách thêm vào một bộ cảm biến đo quán tính ngay trên bo mạch của thiết bị GPS mặt đất. Bên cạnh đó, đội ngũ nghiên cứu cũng viết ra một thuật toán giúp giảm tải quá trình tính toán cũng như tài nguyên máy tính tiêu tốn để xử lý dữ liệu kiểu mới này.
Những cải tiến tạo cơ sở cho những chiếc smartphone có khả năng định vị trí của bạn với độ chính xác lên tới từng centimet. "Việc đạt được mức độ chính xác như vậy đối với các ứng dụng thời gian thực trên những bộ xử lý tiết kiệm điện không chỉ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ định vị mà còn giảm tải rất nhiều chi phí nâng cấp nếu muốn cho những thiết bị cầm tay của chúng ta" - giáo sư Jay Farrell chia sẻ.
Đặc biệt, công nghệ GPS này không hề bị nhiễu hay gián đoạn tín hiệu khi xe đi vào những khu vực như đường hầm. Đây thực sự là một khác biệt đáng kể và hứa hẹn sẽ thay đổi toàn bộ công nghệ định vị đang được áp dụng hiện nay.
Được biết, hiện tại các thiết bị GPS tính toán tốc độ và vị trí của người dùng dựa trên mạng lưới vệ tinh địa tĩnh bên ngoài không gian Trái Đất. Thiết bị GPS trên xe hoặc điện thoại sẽ nhận tín hiệu từ vũ trụ của ít nhất 4 vệ tinh, sau đó máy tính sẽ dựa trên thời gian thiết bị mặt đất nhận tín hiện để tính toán và đưa ra vị trí của bạn với độ chính xác trong vòng 10m.
Nhân Văn (Theo ScienceAlert)